Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Tại sao người Nhật lại đón Tết theo Dương lịch?

Người Nhật Bản hiện tổ chức đón năm mới vào ngày 01/01 hằng năm theo dương lịch. Trước năm 1873, người dân xứ mặt trời mọc thường đón năm mới theo âm lịch, như Tết Nguyên đán của Việt Nam; tuy nhiên, kể từ năm 1873 trở về sau, Nhật Bản đã tổ chức Tết theo dương lịch nhằm tiết giảm thời gian cũng như đem lại nhiều ích lợi cho kinh tế.
Lịch sử ngày Tết ở Nhật Bản
Trước đây, Nhật Bản ăn Tết theo Âm lịch nhưng đã chuyển sang ăn Tết theo Dương lịch kể từ năm 1873. Từ năm 1844 đến ngày 31 tháng 12 năm 1872 (ngày 2 tháng 12 năm Minh Trị thứ 5) người Nhật đón Tết theo lịch Thiên Bảo (天保暦, Tempo reki). Ngày 3 tháng 12 năm Minh Trị thứ 5 được sửa đổi thành ngày 1 tháng 1 năm Minh Trị thứ 6 (năm 1873). Việc sửa đổi này đã được chính phủ công bố vào ngày 9 tháng 11 năm Minh Trị thứ 5 (9/12/1872) và được áp dụng vào tháng sau đó.
Nhờ việc thay đổi lịch này mà chính phủ đã tiết kiệm được tiền trả lương tháng 13 cho công chức (vì nếu tính theo lịch cũ thì năm Minh Trị thứ 6 có tháng 6 là tháng nhuận) và giảm bớt ngày nghỉ, tăng sản lượng quốc gia. Thật ra, lý do chính muốn dùng lịch phương Tây là vì giới lãnh đạo Nhật đương thời muốn thoát khỏi vòng ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc, vì nhận thấy rằng văn minh phương Tây đã phát triển hơn châu Á về nhiều mặt. Từ khi nhìn thấy những chiếc Tàu Đen (Black Ships, 黒船, kurofune) của hải quân Mỹ lúc ghé vào cảng Uraga (14/7/1853), Nhật đã muốn sớm tách ra khỏi hàng ngũ các nước châu Á hòng đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây.
Ở Nhật Bản, người ta còn sử dụng lịch Trung Hoa (hay Âm lịch) không?
Trước đây, người Nhật sử dụng lịch của người Trung Quốc (Âm Lịch). Đến năm 1873, lịch phương Tây du nhập vào Nhật Bản và hiện nay vẫn được sử dụng phổ biến, chẳng hạn trên tất cả các tờ lịch, cuốn lịch thì đều ghi số năm theo lịch phương Tây.
Tuy nhiên, người Nhật vẫn áp dụng cách đếm năm theo cách của họ, đó là hệ thống đánh số các năm theo niên hiệu và số năm trị vì của Nhật Hoàng đương thời. Cách đánh số này được áp dụng rất thông dụng trong các form mẫu, giấy tờ ở khắp nơi tại Nhật.
Ví dụ, năm 2011 được gọi là năm Heisei 23, có nghĩa là năm thứ 23 trị vì của Nhật Hoàng hiện tại – Nhật Hoàng Akihito. Tuy nhiên, năm đầu tiên trị vì của một Nhật Hoàng không được ký hiệu là 1, tức là sẽ không có Heisei 1, mà được gọi là Gannen 元年 (ví dụ Heisei Gannen).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét