Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ Tác giả: Chân Hiền Tâm

"Khu hẻm nhà tôi không phải khu vực nghèo khó. Chỉ toàn thứ dữ, có tôi là mạt nhất. Vậy mà chút nước đổ ra hẻm cũng có chuyện để ầm ĩ. Một con hẻm chia đều bốn nhà. Nhưng không ai muốn phần hẻm nơi nhà mình đọng nước. Người quơ qua bên này. Kẻ quét lại bên kia. Làm sao đó để mặt nhà mình khô ráo, còn thiên hạ ai chết mặc ai. Thế là cả ba chửi nhau chí choé.  Mình không phải là đứa cao thượng, nhưng ồn quá thì không thể làm việc. Vì thế, đành cao thượng mở cửa xuống nước “Xin dồn hết qua nhà con, từ từ nó bốc hơi …”. Không ngờ, chiêu ấy lại có kết quả. Ba nàng lập tức bỏ cuộc. Không thấy ai quét lui quét tới gì nữa. Cũng không thấy ai to tiếng với nhau. Mình như chó táp phải ruồi, không ngờ chỉ một chiêu mà việc lại tốt như thế. Nhưng không phải khi nào những hành động thánh thiện cũng được đền đáp một cách xứng đáng."



Tâm thức con người thật buồn cười. Mười chuyện tốt không nhớ, nhớ đời một chuyện cỏn con. Cái ngày hai đứa mới đặt chân đến thiền viện, thầy thị giả vẫn còn là một cư sĩ học việc. Không nói, hiền hòa. Ngồi đâu, thầy cũng ra tận nơi mời vô cơm nước. Những ngày làm thị giả, cơm vẫn lo đầy đủ, nước vẫn rót cho uống. Đói, thầy ơi con đói. Đau, thầy ơi có thuốc không? Sách đem cúng dường mấy ngàn cuốn, Thầy ngồi phát từng cuốn chẳng quản mệt nhọc. Một lần giận ông xã, khóc hù hù. Thầy ngồi đó nhìn không nói. Cái nhìn của đứa trẻ lên ba ngồi nhìn mẹ. Thấy khóc mà không biết dỗ dành ra sao, cũng không dám bỏ đi vì sợ để mẹ một mình. Cái nhìn khiến hành giả đang khóc phải bật cười, thấy chuyện đời sao vô duyên, khóc ba thứ lẫn thẫn …  Giờ mới một chút, giận mấy ngày chưa nguôi. Không biết vì được quan tâm quen rồi, bị phớt lờ mới ra cớ sự đó, hay người mình vốn có cái chủng vong ơn bội nghĩa, giờ đủ duyên mới phát ra? Tâm thức con người thật kỳ quái, không đơn giản chút nào!



Trích Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ Tác giả: Chân Hiền Tâm




Bạc đầu nhuộm lại mấy hồi. Bạc tâm mới mệt. Vất vã vô ngần!


Đạo Cao Đài nói một câu nghe rất thấm thía “Tu thì cũng muốn mau thành Phật, theo Phật thì con lại tiếc đời”.


Một mảnh trăng trong mà bóng hiện ngàn sông khác nhau, chỉ vì nó liên quan trực tiếp đến duyên nghiệp của từng loài. Nước trong trăng tỏ. Nước đục trăng mờ. Nước chao trăng vỡ. Nước lặng trăng nguyên.



Schopenhauer, một triết gia của thế kỷ 18, khi sách của ông, sau 16 năm xuất bản, hầu hết đều đem bán làm giấy loại, đã mượn câu nói của Lichtenberger để nói lên trình độ yếu kém của người đời đối với tác phẩm của mình “Những tác phẩm như vầy, giống như một chiếc gương. Một con khỉ nhìn vào thì bạn không thể nào chờ đợi một thiên thần nhìn ra”. Tác phẩm của ông có đúng là một chiếc gương để soi không, đây mình không bàn đến. Nhưng một con khỉ nhìn gương thì quả tình chỉ thấy một con khỉ xuất hiện, không thể là một thiên thần hay một thứ gì khác. Học trò với trình độ lớp hai, chỉ có thể đọc và hiểu toán lớp một hay lớp hai, không thể hiểu toán lớp ba hay hơn nữa. Tâm thức của mình là như thế. Thứ gì ngang với tầng số nhận định của mình, mình cảm nhận nó dễ dàng. Nhưng thứ gì vượt quá tầng số hiểu biết của mình, thì … thiên thần vỗ cánh bay xa. Vạn pháp trở thành muôn hình vạn trạng dưới mắt người đời. Kinh luận một nguồn mà nghĩa thành vô lượng cũng vì đó.

Sự hạn chế đó, không phải chỉ nằm ở mặt kiến thức hay học hỏi, nó chi phối toàn bộ đời sống con người. Có quan niệm, có định kiến là có hạn chế. Một khi đã có sự phân chia hoặc xấu hoặc đẹp, hoặc thích hay không thích v.v… là ta đã bị quan niệm chi phối. Nhà Phật gọi nó là SỞ TRI CHƯỚNG. Gọi CHƯỚNG vì nó làm ngăn ngại trí bồ đề. Với người bình thường, sở tri là nền tảng để phiền não sinh khởi và nghiệp chướng xuất hiện. Một khi đã có quan niệm cơm nhão là ngon, thì đụng phải cơm khô, ít người bình thản. Từ cái không bình thản đó, khẩu nghiệp và thân nghiệp có cơ phát khởi, phiền não phát sinh. Khởi rồi, trí Phật càng xa, nghiệp đời càng nặng. Kinh Lăng Nghiêm nói “Thấy biết mà lập thấy biết là nền tảng của vô minh”. Cho nên, dù thuộc thiền phái nào, chủ ý của chư vị thiền sư cũng là giúp người tu phá bỏ phần sở tri phân biệt này. Chính là TRÍ PHÂN BIỆT đã nói trong luận Đại Thừa Khởi Tín.

Tô Đông Pha là một học sĩ làm quan thời Tống. Quan trường thăng trầm nên ông thường đến chùa Kim Sơn học thiền và luận đạo với thiền sư Phật Ấn. Là một học giả có tài, nên ông tự hào luôn về trình độ hiểu thiền của mình. Một lần, nhà thơ hỏi thiền sư Phật Ấn :  - Thầy thấy con tọa thiền ra sao? Phật Ấn trả lời :  - Trang nghiêm như Phật.  Nhìn vẻ mặt phần khởi của Tô Đông Pha, thiền sư Phật Ấn hỏi lại :  - Còn học sĩ, ông thấy tôi tọa thiền thế nào? Tô Đông Pha trước giờ chưa hề bỏ qua cơ hội nào cho mình, liền mau mắn : - Như đống phân bò!  Không thấy Phật Ấn trả lời, Tô Đông Pha hí hững keo này mình đã thắng.  Thời gian qua đi, tin đó tới tai Tô tiểu muội, em gái Tô Đông Pha. Tuy là nữ nhi nhưng tài hoa xuất chúng, trí tuệ hơn người. Nghe anh kể lại sự việc, cô lắc đầu:
- Sư huynh ơi! Tâm thầy như tâm Phật nên nhìn sư huynh trang nghiêm như Phật. Tâm sư huynh như phân bò, chẳng trách sư huynh nhìn thầy như đống phân bò.  Tô Đông Pha nghe xong, không mở miệng biện được nửa lời. Mắc phải cần câu sắt của lão thiền sư, trả lời gì nữa.

Thiền sư Nhất Hưu có vị đệ tử làm tướng quân. Một lần, tướng quân mời Sư về nhà dùng cơm, nhưng thủ vệ thấy y phục Sư rách, nên không cho vào. Sư đành trở về thay y phục mới.  Vào tiệc không thấy Sư phụ ăn, chỉ thấy ông gắp thức ăn bỏ vào tay áo, tướng quân bèn hỏi :  - Bạch Thầy, ở nhà Thầy còn mẹ già hai trong chùa còn ai? Con sẽ sai người nấu thức ăn mang đến. Nhất Hưu lắc đầu :  - Hôm nay ông mời y phục ta dự tiệc. Ta cho y phục ta ăn còn gì. Tướng quân không hiểu, Nhất Hưu giải thích :  - Ta đến lần đầu, vì y phục cũ rách, thủ vệ ông không cho ta vào. Ta phải trở về thay y phục mới, mới ngồi được đây. Đã lấy y phục mới cũ làm tiêu chuẩn tiếp khách, không phải là mời y phục ăn sao? Ta cho y phục ăn vậy.

Một lần, mời Tăng chúng về thọ trai, hậu sinh đã vướng phải một chuyện nhớ đời. Bởi tâm hướng về Tăng chúng lớn, nhất là đối với vị chủ đoàn, nên mọi thứ từ thức ăn, chỗ ngồi, cho đến nhà vệ sinh, đều tập trung cho Tăng đoàn. Bỗng ở đâu, một cụ bà xin vào đi tiểu. Thành phố không có chuyện này. Quán ăn hàng chợ thì có thể, nhưng nhà tư nhân thì không. Không ai cho người lạ vào nhà. Song bình thường vẫn có thể, nhưng hôm nay là ngày cúng dường Tăng chúng, làm gì có chuyện đó. Đang lu bu mà bị quấy rầy, hậu sinh ta quát lớn “Nhà đang có việc, đi đi cái gì”, rồi sập cửa không chút thương tiếc.
Nhà vệ sinh hôm đó, không một vị tăng nào bước vào. Vì tiêu tiểu, không phải cứ chỗ tốt chỗ đẹp là nó đã ra. Sình lầy, gốc chuối, bụi cây mà tới cơn thì nín cũng không được. Vậy mà một chút không tỉnh, hậu sinh đã tống bà cụ ra ngoài. Nếu đủ công đức như vị Hòa thượng lập đàn bố thí kia, có lẽ hậu sinh đã thấy bà cụ hóa thành Văn Thù cưỡi mây ngũ sắc bay đi.
Biết đạo, mình ít bị những hình thức như giàu nghèo, bằng cấp v.v… chi phối, nhưng lại bị những thứ vi tế như thế dẫn chạy. Chẳng qua là làm thiện mà chấp thiện. Chấp là trạng thái nắm chặt. Nó biểu thị cho đầu óc cứng ngắt, mất tính tùy duyên của mình. Mình không phân biệt được thứ gì là tinh thần, thứ gì là hình thức. Tinh thần là thứ bất biến cần giữ. Hình thức là thứ có thể thay đổi tùy duyên. Thay đổi tùy duyên ra sao để tinh thần vẫn … bất diệt. Nhưng mình thì chỉ chú tâm nắm chặt hình thức. Cớ sự mới ra như vậy.

Trách ai? 

Mèo con là con mèo mẹ. Phải đến chục lứa, tôi mới có thể gần gũi chăm sóc con nó như lũ mèo nhà. Có vậy mới mong chích ngừa chấm dứt sinh sản. Nuôi mèo đem cho thì không còn chỗ để cho. Nuôi tiếp thì nuôi không nổi. Xua đi, thấy dạ không đành. Thành phải tính chuyện chấm dứt sinh sản. Không thì mèo khẩu cứ tăng. Mình đâu tính chuyện sản xuất cung cấp cho các tiệm ăn mà hứng với việc như vậy.  Mèo con giỏi hơn mèo mẹ rất nhiều, chỉ phải cái tội đêm đêm lại kêu, không ai ngủ được. Thành dù thương nó, mình cũng tìm đường cho nó ra riêng.  Gởi nó cho cô xong rồi, mình mừng hết lớn. Vậy là mình vẫn có thể chăm sóc chích thuốc cho nó. Xuống tới nhà cô, nó không kêu nữa. Nó nhảy tung tăng hưởng khí mát lành, tươi tắn vui vẻ. Nó không ăn cá ăn thịt, chỉ cần một chút thức ăn làm sẵn cho mèo, là nó đã no. Gặp cô, nó sa vào lòng không chút lạ lẫm. Mình cũng yên lòng. Vậy là những gì dự định coi như tạm xong.  Hai mươi ngày nữa, đến ngày mang nó chích ngừa. Nói là nói vậy, ngày đó không bao giờ tới. Bởi nó đã bị con Ki hàng xóm xơi tái … Mới biết, không phải muốn lo là đã lo được. Mình dù có lòng để lo mà người không phước để hưởng, mọi thứ cũng không. Không phải chỉ với con mèo, thiên hạ chung quanh, ngay bản thân mình, cũng thấy như thế. Cái khoảng thời gian đi tới đi lui ngoài chợ. Có rất nhiều chuyện để mình chiêm nghiệm. Bà chủ vừa nuôi người làm, dự định cho cô nhiều thứ. Nào sắm cái này, nào lo cái kia. Không phải chỉ việc nuôi mẹ, bà tính luôn việc giúp đỡ lũ con. Mỗi tuần, bà cho cô nghỉ một ngày thăm con ...  Chưa được ba ngày, cô nói nóng ruột nhất định đòi về. Bà cho ít quà và tiền rồi để cô về. Tôi lấy làm tiếc cho cô. Con người, có khi vì chút nhẫn lực không có, bỏ mất cơ hội ngàn vàng. Nhưng rồi một việc xảy ra để hiểu vì sao cô không hưởng được những gì bà chủ dự định : Người ta mang biếu cho bà một số bưởi quí. Bà đã dự định cúng dường Tăng Ni. Thấy cô thích thú, bà dành cho cô một trái. Nhưng hôm cô đi, cô mang đến hai. Đi thế, nên không một lời từ biệt.  Cho tới giờ này, cô vẫn không biết, chỉ vì tham một trái bưởi, cô đã bỏ mất số tiền tương đương đến 50 trái, con gái bà chủ muốn cho sáng đó. Bà chủ bận việc trên lầu, cứ nghĩ cô chào bà sẽ đưa tiền luôn thể. Không ngờ cô đi âm thầm. Người sống như vậy, làm sao đủ duyên ở gần bà chủ? Bà dù muốn lo, cũng không đủ duyên để hưởng. Ở được với bà mới là chuyện lạ. Trong đời, chỉ vì không đủ nhẫn lực, không biết mình đã bỏ đi bao nhiêu cơ hội ngàn vàng như cô người làm của bà chủ kia? Không nhẫn được với miệng, không nhẫn được với thân, không nhẫn được với lòng tham, không nhẫn được với tính đố kỵ, kiêu mạn … mà mọi việc trở thành đáng tiếc. Đó là cái nhân để mình gặt phải cái quả bất toàn trong tương lai. Nhiều cái nhân bất thiện cho ra lắm cái quả bất toàn. Suy cho cùng, cái chính vẫn là nhẫn không dược với những suy nghĩ của mình. Ý NGHIỆP. Không phải chỉ Ý mà còn đi kèm chữ NGHIỆP. Nghiệp, nói đủ là nghiệp tập. Chỉ cho thói quen mình đã huân tập trong bao đời kiếp. Chính vì chữ NGHIỆP, Ý mới có lực khiến mình chạy theo. Quên mất việc đó nói ra có lợi hay không. Quên làm như thế thiệt hại những gì. Thứ gì đụng đến cái TẬP hay TÔI của mình, lập tức mình mất nhẫn lực, mình liền phóng theo. Mình phát huy cái miệng, mình động đậy cái thân. Phật nói điên đảo là vậy. Mới thấy 4 chữ BIẾT VỌNG KHÔNG THEO Hòa thượng Trúc Lâm đặt ra lợi hại vô cùng. Chỉ cần BIẾT được cái gì vừa hiện trong tâm, là mình đã có thời gian để thấy NÊN hay KHÔNG NÊN tiếp tục những việc đã nghĩ. Nhưng thường, thứ gì rơi trúng tập nghiệp của mình, mình đành bó tay. Cái BIẾT của mình bị LỰC CỦA NGHIỆP đè chết. Mình quên tất cả, chỉ theo nghiệp lực như thuyền phăng trên dòng thác, không chút nghỉ ngơi. Giả như có chút công phu, có ít trí tuệ, còn biết hồi tâm quay đầu, không đi quá xa. Nếu không trí tuệ, công phu cũng không, thì cứ theo nghiệp mà đi. Ta bà thế giới đâu hề từ chối những kẻ nhiệt tình với nó? Cái khổ, cái nghèo, hoạn nạn, tai ương, bất toàn theo đó mà hiện. Trách trời sao được? Muốn lo, lo cũng không xong.
Không biết con mèo chết đi, nó có trách tôi “Tại bà đem tôi xuống đây, thành tôi mới bị chó ngoặm mà chết tức tửi …”. Có trách cũng không phải lạ. Thói đời là thế, ít ai tự trách lấy mình, chỉ hay đổ thừa thiên hạ. Hắn đã đổ thừa thì mình đổ lại “Giá con đừng kêu, con biết làm chủ cái miệng của mình, đừng phiền thiên hạ, thì dù bưng cứt đổ đái chịu khó chịu khổ với con như trước, ta cũng chịu được. Đằng này con không biết nhẫn, đêm nào cũng gào thiên hạ ngất ngư, ta làm gì được bây giờ? Ta đem con xuống chỗ tốt, không ngờ phước con không đủ, đâu phải tại ta mà con trách ta?”. Nói thì nói vậy, nhưng ngẫm cho cùng, như chính mình đây, cái phước làm người đã có, học đạo cũng không phải vừa, nhưng nhẫn vẫn tồi … số một. Hở cái là hú, tập khí vẫn chưa thắng nổi, nói là con mèo? Thật tội! Tính ra, chỉ vì nuôi nó mà mình không đủ nhẫn lực dạy nó chữ nhẫn hầu tải bớt nghiệp của thân, cớ sự mới ra như vậy. Mới thấy tiền bối Nguyễn Du, phát biểu một câu ngẫm ra chí lý : Đã mang lấy nghiệp vào thân  Cũng đừng trách lấy trời gần trời xa Trách ai bây giờ? Phản quan tự kỷ bổn phận sự! Khắc dạ ghi tâm là tốt.

Ông Địa 

Ngày chưa đến chùa, nói chính xác là chưa đến thiền viện. Cái khoảng Đậu Hũ còn lang thang ngoài chợ đời phố thị, bầu bạn với đủ thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không thiếu món nào, thì bàn thờ có rất nhiều tượng để thờ. Đức Di Đà ở giữa. Quan Âm, Thế Chí hai bên. Trái, một cái hình Ấn độ cởi trâu. Phải, hình mẫu mẹ ngồi chiễm chệ. Phòng khách có Ông Địa nghênh tiếp tiền bạc. Bếp đã có ông Táo coi hộ. Không cho tiền lẻn ngã sau.  Nói chung, bầu bạn với quá nhiều thứ, nên tâm không định, thấy chi cũng sợ. Mưa, Đậu Hũ sợ cây rơi trúng đầu, chết. Gió, Đậu Hũ sợ đổ cột điện đè lên người, tiêu. Phải nói, có quá nhiều thứ để sợ. Thành đến chỗ nào, thấy có thứ gì có thể bảo vệ được mình, Đậu Hũ liền thỉnh về thờ cùng Phật. Một người bảo vệ sao bằng năm người?  Thờ nhiều nhưng buồn hay vui, có tiền hay không, Đậu Hũ chỉ nói với mình ông địa. Bởi bàn thờ ông có một bình xăm và cuốn sách bói. Có thể lắc xăm xin quẻ dễ dàng khi cần. Nhưng đó chỉ mới một phần. Cái chính là ông không như đức Phật, chỉ mới là thánh là thần gì đó, ông sẽ thông cảm với việc Đậu Hũ đang cần. Ông lại “cai quản” tiền bạc, hy vọng ông cho Đậu Hũ một ít, đỡ tủi. Đến thiền viện rồi, bỗng nghe Sư phụ tụng tới tụng lui “Cái bàn thờ Phật sao thờ nhiều thứ”. Nghe giảng mà bụng phập phồng. Thôi thì hạ hết cho xong. Nhưng tới bàn thờ ông Địa thì bỏ không đành. Đậu Hũ không sợ “không thực không vực được đạo”, mà vì chút tình lưu luyến bấy lâu. Ông dạy nhân duyên, nhân quả cho mình. Chừng đó mà không đành lòng. Thành giờ vẫn còn cái bàn ông Địa để ở trước cửa trên lầu. Không ai nói chuyện. Tu thiền, miệng cần như quạt mùa đông. Nói gì? Làm ăn suôn sẻ, gia đình êm ấm, ít ai nhớ đến Phật, thánh. Chỉ khi có gì xui xẻo, chèo quơ mái lật, Phật thánh mới có phần. Những ngày tiền bác thiếu hụt, Đậu Hũ lạy ông sói đầu. Mùng hai mười sáu, heo quay. Ngày thường, hết cho hút thuốc, lại cho ăn tỏi, trái cây. Nhưng tránh măng cụt, vì sợ tiền bạc thiếu hụt. Xam bu chê cũng không, vì sợ tiền chê không vô. Sầu riêng chẳng bao giờ cúng, vì sợ nỗi sầu không tiền đeo đẳng. Gai góc thế kia, tiền bạc rách hết. Thành gì thì gì, cúng kiến rất là kiêng kỵ. Kiêng hơn đàn bà non ngày non tháng. Sợ ông trúng thực, tiền mình không cánh mà bay. Ngẫm ra, chẳng tốt lành gì. Không cầu cạnh được, bàn thờ cũng không, đừng nói cúng kiến. Ông từng một lần bị cho ra đường cùng với thần tài, chỉ vì số đề xin hoài không trúng. Cậu ghét cậu quăng ra đường. Không ngờ ông có thần thông, phi ngang cây nhãn bám trụ tòn ten trên đó. Chỉ ông thần tài là tội. Hình hài chẳng còn một mảnh, nát vụn như tương, không một mảnh đất chôn thân. Ngày đó, Đậu Hũ mang ông vô nhà thờ lại chứ ai.  Vậy mà, lần nào lắc quẻ xin tiền, ông cũng trả lời “Chờ đủ nhân duyên”. Ngày ấy, hai chữ nhân duyên là gì Đậu Hũ không hiểu. Chỉ biết bốc phải quẻ ấy là coi như tiêu. Trắng tay vẫn hoàn trắng tay, không gì khả quan hơn được. Chỉ một điều lạ, mỗi lần cúng dường hay biếu tặng ai thứ gì, hoa ông nở rộ bàn thờ thấy tươi. Lão chồng vẫn nói “Vọng tưởng!”. Đời này có gì không phải là vọng, nói coi! Vọng thì mới dệt cho thơ, mới tô cho mới cuộc đời. Miễn đừng tưởng vọng thành chân là được, chứ gì!  Giờ thì mới hiểu hai chữ nhân duyên ông nói ... Đâu có gì lạ, nhân duyên là thực lý chi phối thế gian này. Sống trong cuộc đời, không gì không phải nhân duyên. Mỗi cái quả hiện nay, không phải tự nhiên xuất hiện, đều do cái nhân đã gieo trong thời quá khứ. CHƯA ĐỦ NHÂN DUYÊN, nghĩa là Đậu Hũ chưa gieo cái nhân bố thí cúng dường v.v… làm sao Đậu Hũ đòi có phước lộc? CHƯA ĐỦ NHÂN DUYÊN, thì dù Đậu Hũ đã gieo nhân rồi, mà duyên chưa đủ, phước lộc cũng không. Cầu xin sao dược? Phật đã từng nói “Dù chư Như Lai xuất hiện ở đời hay không, các pháp vẫn như thế, vẫn quyết định tánh ấy, vẫn theo duyên như thế”. Phật còn nói vậy, Địa làm gì được. Đậu Hũ phải chờ cho đủ nhân duyên là lẽ tất nhiên. Thôi thì, Đậu Hũ đã có nhân duyên với Địa. Để ông lại đó làm bạn tu hành. Phật có hoa thì Địa cũng có hoa. Phật có trái cây thì Địa cũng có trái cây. Nhưng Phật không heo quay thịt vịt, thì Địa cũng không được dùng heo quay thịt vịt. Thuốc rượu cũng không. Cái đó Phật tử tại gia còn không được dùng, huống là thần thánh tu hành. Chấm dứt là tốt.  Mới hay ở đời, đừng có dại dột mà nói sự thật cho chúng nó biết. Chúng biết mình không năng lực ban phát tài lộc cho chúng, chúng liền phủi tay. Nói chuyện cũng không, đừng nói cúng kiến. Chúng sanh là vậy. Bạc bẻo vô ngần! Biết mình chỉ là cái bóng không làm gì được, chúng liền quẳng ngay. Đừng nói là cung với kính hay những thứ khác. Chỗ này mới thấy thông cảm cho người. Có khi không phải người không muốn nói sự thật. Nhưng nói thẳng ra, chúng không chịu tin. Nếu tin được rồi, có khi mình … đói. Nên đành bấm bụng huyên thiên. Có vậy mới có cái ăn. Ngẫm ra, Địa kia rất tội. Có sao nói vậy. Chỉ chút chừng đó không thương sao được. Đậu Hũ đâu thể hạ bệ đoạn tình đoạn nghĩa cho đi cái vù như mấy vị kia. Cho nên, hương hoa vẫn đủ, chỉ cùng chay lạt tu hành, mai sau Linh Sơn còn gặp ...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét